Tìm thông tin

[gia dinh] Có nên chia tay người chồng bỏ mặc vợ con?

Khi tôi và con bệnh, anh ấy đi nhậu và tối về không một lời hỏi han, bỏ mặc vợ con bên nhà ngoại - (Dung).


Mẹ bực mình vì thái độ của chồng tôi nên đã gọi anh sang nói chuyện phải trái. Anh không những cãi cự mà còn bỏ đi luôn, từ đó đến nay không ngó ngàng gì đến phía nhà tôi nữa. Ngay cả việc nhờ sang ngoại đón con, anh cũng không làm với lý do không muốn thấy bố mẹ tôi để phải nghe chửi. Bố mẹ tôi vì lòng tự trọng mà nhất quyết bắt anh phải sang đón con đoàng hoàng, nếu không sẽ từ mặt tôi.




dau-kho-vi-chong-jpg-1368608515_500x0.jp
"Có chồng hờ hững cũng như không". Ảnh minh họa: Fox.

Về phía nhà chồng, họ ủng hộ và kiên quyết bắt anh phải ly dị để lấy người mà họ đã “nhắm” là hơn tôi về mọi mặt. Họ không muốn anh gần gũi vợ con nên ra sức cấm cản, còn anh thì vui vẻ nghe theo. Chồng tôi vẫn giữ quan điểm thà chia tay chứ nhất quyết không sang đón con, tuyệt mặt ông bà ngoại.


Nhiều lúc tôi đã nói chuyện để vợ chồng hiểu nhau hơn, để anh hiểu được cái đúng cái sai, cái được cái mất, để cùng rút kinh nghiệm nếu thực sự muốn cuộc sống sau này tốt đẹp hơn. Anh lại bỏ ngoài tai và không thèm quan tâm đến tôi. Thực sự tôi vẫn còn yêu chồng nên cố gắng hàn gắn để cân bằng mối quan hệ giữa bố mẹ và chồng nhưng có vẻ tôi đã thất bại. Anh liên tục đòi chia tay, bán tài sản chung của hai đứa. Phải chăng việc không chịu sang đón con chỉ là cái cớ để anh muốn ly hôn với tôi?


Tôi muốn đưa con về nhà để anh có trách nhiệm chăm sóc, nuôi dạy con cái, để anh biết quý công sức của ông bà khi trông cháu, để tôi có điều kiện đi làm. Bố mẹ tôi vì chăm cháu ngoại nên sức khỏe cũng giảm sút. Mất một thời gian, cố gắng lắm tôi mới thuyết phục được bố mẹ để mang con về nhà. Bố mẹ vì thương tôi nên không muốn làm căng nữa. Nhưng lúc tôi và con về cũng là khi anh dọn hết đồ đạc về nhà bố mẹ đẻ, để mặc hai mẹ con xoay sở trong căn nhà thuê.


Con tôi vì nhớ bố nên ngày nào cũng đòi nói chuyện, lần nào cháu cũng chủ động để được nói chuyện với bố. Thực sự nếu con không gọi điện thì anh cũng không bao giờ hỏi han đến con, nếu thích thì anh tạt qua chơi một chút rồi sau đó lại mất dạng. Nhìn con nhớ bố, đêm nằm mơ gọi tên bố mà tôi xót hết cả ruột gan.


Tôi đang rất suy sụp vì bao nhiêu yêu thương gửi gắm để cuối cùng bị đối xử như vậy. Nhiều lần tôi muốn vùng lên để giải thoát cho mình nhưng thấy con yêu bố nên không nỡ. Đoàn tụ hay chia tay - đâu là giải pháp cho tôi trong lúc này? Xin hãy cho tôi lời khuyên - (Mỹ Dung).


Trả lời:


Chị Mỹ Dung thân mến,


Theo những gì chị chia sẻ, hiện tại cuộc sống hôn nhân của chị gặp những sóng gió khi chồng và gia đình chồng tìm mọi cách để ngăn cản, hắt hủi và không coi chị là dâu con trong nhà. Trong khi đó, bố mẹ chị vì thương con nên cũng không muốn thấy chị phải đau khổ thêm. Phần chị, vì muốn một cái kết có hậu nên sẵn sàng cam chịu và chấp nhận nhưng dường như mọi chuyện lại đang vượt quá suy nghĩ và mong đợi của chị.


Trước những khúc mắc đang gặp phải, chị đã tự hỏi nên đoàn tụ hay chia tay. Tuy nhiên, nhìn vào bản chất của vấn đề, việc đoàn tụ hay không có lẽ bản thân chị cũng không thể tự quyết định được. Sở dĩ tôi nói như vậy vì những lý do sau:


Thứ nhất, chồng chị dường như đã cạn tình cạn nghĩa khi không còn quan tâm, chăm sóc cho vợ con. Khi chị và con đau ốm, anh lại đi nhậu và không một lời thăm hỏi. Không những vậy, khi được người lớn góp ý, chỉ bảo anh lại cự cãi rồi từ đó không đếm xỉa gì đến nhà ngoại nữa.


Chị vì còn yêu chồng nên đã cố gắng phân tích cặn cẽ từ lý đến tình để vợ chồng hiểu nhau hơn nhưng đáp lại, anh vẫn bỏ ngoài tai mọi lời chị nói và không quan tâm đến suy nghĩ và thành ý của chị. Thậm chí, anh còn liên tục đòi chia tay và đòi phân chia tài sản chung của vợ chồng… Sẽ được gì khi chị đưa tay ra để hàn gắn, còn anh ấy thì chẳng những không nắm lấy mà còn gạt đi như vậy?


Thứ hai, không chỉ chồng chị mà bố mẹ chồng cũng đang bắt anh hãy sớm ly dị vì đã “nhắm” một đám khác xứng hơn chị về mọi mặt. Họ đang tìm đủ cách để chị không được gặp chồng nữa vì sợ con trai họ bị chị níu kéo. Phần anh ấy dường như cũng mừng vì điều đó nên cứ răm rắp nghe theo.


Cứ cho là mọi việc chị làm vì chồng con nhưng thực tế, chị có đáng để bị đối xử như vậy? Trước những vấn đề ấy, một lần nữa xin hỏi chị về vai trò và trách nhiệm của người từng “đầu ấp tay gối” với chị? Nếu níu kéo, chị sẽ được gì trong mối quan hệ này? Hạnh phúc sẽ đến với chị hay chị sẽ phải nhận thêm những đau khổ?


Thứ ba, bố mẹ chị vì tự ái nên nhất quyết bắt anh phải sang nhà đón con, nếu không sẽ từ chị. Thế nhưng, ngay cả khi ông bà chịu xuống nước chấp nhận cho chị mang con về nhà thì anh lại dọn dẹp đồ đạc bỏ mặc chị và con ở đó.


Với những phân tích và gợi mở trên, thiết nghĩ đây không còn là lúc chị nghĩ và muốn vùng lên nữa. Đã đến lúc chị phải mạnh mẽ để đối mặt và lựa chọn vì thực tế đoàn tụ không phải là điều anh muốn và dù chị muốn thì cũng chỉ từ một phía nên không thể thực hiện một mình được.


Nếu chị cứ chấp nhận và cam chịu như vậy, đến khi gối chùn chân mỏi, chị sẽ không thể gượng dậy được. Người ta vẫn nói “Có chồng hờ hững cũng như không”, thiết nghĩ đây là điều chị không hề muốn, nhưng thực tế chị đang phải sống đời cam chịu và chấp nhận.


Chị nghĩ mình yếu đuối, nhưng một phần tôi nghĩ chị là người phụ nữ biết hy sinh, chịu đựng, hết mình vì tình yêu và sống có trách nhiệm với lựa chọn của mình. Có chăng là trách chồng chị không biết quý trọng và đón nhận những điều tốt đẹp chị mang lại. Chuyện đón con không phải là cái cớ, càng không phải là khúc mắc cần tháo gỡ, mà nguyên nhân cốt lõi của vấn đề chính là sự nhạt phai tình nghĩa vợ chồng.


Chị có chia sẻ vì con nên không muốn gia đình phải tan vỡ nhưng thực tế, một gia đình như hiện tại có phải là điều mà con chị mong muốn và đón nhận? Cháu có nhận được gì từ tình thương và sự bảo bọc của bố? Vì con nhỏ chị đã cố nhưng cháu sẽ nhận được gì từ sự hy sinh của chị khi lớn lên? Chị hãy cân nhắc và suy nghĩ kỹ đâu là điều thực sự tốt cho con và chị trong lúc này.


Chị Dung mến, một buổi nói chuyện với chồng về tất cả những suy tính, dự định, mong muốn cả hai bên là việc chị nên làm. Thông điệp mà chồng và gia đình chồng gửi cho chị đã rõ ràng, phần còn lại là quyết định của chị. Trong trường hợp này, dù chị có chấp nhận, cam chịu thì dường như chị vẫn không nhận được sự công nhận và tôn trọng cần thiết.


Mong chị sáng suốt để đối diện và lựa chọn, để những quyết định phía trước sẽ đem lại niềm vui, hạnh phúc và sự bình an cho chị.


Thân mến!


Chuyên viên tâm lý Phạm Sỹ
Trung tâm tư vấn Nhịp Cầu Hạnh Phúc



.

vnexpress.net

Tìm dịch vụ