Cách nào để con không quên bố mẹ khi ở với ông bà?
Con em chưa đầy 3 tuổi. Do điều kiện kinh tế, vợ chồng em phải xa con từ lúc cháu hơn 2 tuổi để sang Malaysia làm ăn, nhờ ông bà nội ở quê chăm sóc con.
Chúng em rất nhớ con và lo ông bà ở nhà quá chiều chuộng mà cháu dễ hư. Chúng em muốn làm sao ở xa mà vẫn có thể giúp con cảm nhận được tình yêu thương của bố mẹ, nhưng không biết làm thế nào. Cháu còn nhỏ nên mỗi lần bố mẹ gọi điện về thường không nói chuyện được lâu, chỉ “Alo” rồi “Chào bố, chào mẹ" là hết.
Em định viết thư cho con nhưng cháu cũng không thể đọc được, mà nhờ ông bà đọc thì ngại. Em nên làm như thế nào để con không quên bố mẹ và chúng em vẫn có thể ảnh hưởng đến con. Hai năm nữa chúng em mới về nước. (Minh Ngọc)
Ảnh minh họa: Peaceforthejourney.com. |
Trả lời
Nếu trước 2 tuổi, cha mẹ và con cái đã thiết lập được một mối quan hệ thân thiết và có một sự gắn bó nhất định thì những tình cảm này sẽ giúp trẻ tái thiết lập lại mối quan hệ với cha mẹ một cách dễ dàng hơn khi anh chị về nước.
Trong giai đoạn này, ông bà nội là người quan trọng nhất vì ông bà đang trực tiếp chăm sóc trẻ. Mối quan hệ tình cảm giữa con cái và bố mẹ vẫn sẽ được duy trì tùy vào cách ông bà giải thích với cháu lý do bố mẹ không có mặt ở nhà trong thời gian này để chăm sóc con, chẳng hạn cha mẹ đi làm vất vả để con có điều kiện phát triển tốt hơn... Kể cả với trẻ 3 tuổi, cho dù cháu có thể không hiểu hết những lời ông bà nói nhưng giọng điệu, thái độ và tình cảm của người nói thì cháu hoàn toàn hiểu được và cháu sẽ nhớ và biết ơn bố mẹ.
Trong hoàn cảnh của bạn, để giúp trẻ có được mối liên hệ thường xuyên với bố mẹ thì ông bà nội là sợi dây liên kết quan trọng vì vậy bạn không nên ngần ngại trao đổi để ông bà hiểu, giúp con hiểu nhiều hơn về bố mẹ và giúp bố mẹ có được những thông tin thường xuyên và liên tục về con, cùng hỗ trợ ông bà trong việc nuôi dạy con.
Về mặt cha mẹ, nên tiếp tục giữ liên lạc với trẻ nhiều nhất có thể để duy trì sợi dây tình cảm. Trẻ ở lứa tuổi này chưa đủ khả năng ngôn ngữ và khá hiếu động nên các cháu sẽ không chịu ngồi yên mà nói chuyện như người lớn được. Nếu có điều kiện thì tốt nhất nên có hình thức liên lạc bằng hình ảnh như qua webcam, video chat để cháu có thể nhìn được bố mẹ, và có thể khoe những thành tích mới của cháu với bố mẹ. Những điều này làm trẻ thích thú hơn và sẽ dành thời gian để nói với bố mẹ nhiều hơn.
Thạc sĩ Trần Thành Nam
Trường mầm non Hoàng Gia
Xem thêm
vnexpress.net